An interesting article about Norway's life, how Norway could be the best place to live...
Na Uy được Liên Hiệp Quốc xếp là nước thịnh vượng nhất trên thế giới trong suốt năm năm qua. Tuy nhiên như Lars Bevangers gợi ý, ngay cả thiên đường cũng có những mặt trái. Quan chức bầu cử của đảng bảo thủ đương quyền trông có vẻ hoang mang. Tôi vừa hỏi ông rằng tại sao đảng của ông lại đứng sau trong các cuộc thăm dò ý kiến chỉ vài ngày trước khi diễn ra bầu cử tại đây khi mà mọi thứ ở Na Uy đều tốt đẹp cả. Đôi mắt xanh của ông ngước nhìn bầu trời trong veo để tìm câu trả lời. "Số người thất nghiệp ít," tôi nhắc ông, "lạm phát đang thấp ở mức kỷ lục, Liên Hiệp Quốc nói với chúng ta rằng chúng ta đang sống ở một đất nước tuyệt vời nhất trên thế giới. Thế mà người dân nói rằng họ muốn đảng Lao Động trở lại cầm quyền?" Khi thiên đàng không có vẻ giúp ông có câu trả lời xác đáng, ông nhìn xuống, nhún vai và nói: "Có thể là người ta chỉ muốn có sự thay đổi thôi." Tôi không tin là người ta có thể hiểu được cuộc bầu cử toàn quốc ở nước tuyệt vời nhất trên thế giới buồn tẻ tới mức nào. Giá xăng Điều đơn giản là ở đất nước này chẳng có gì nhiều để người ta thay đổi, cải cách cả. Và một trong những ví dụ của sự buồn tẻ trong tranh luận chính trị giữa cánh tả và cánh hữu trước bầu cử là đầu tuần này giá xăng, vốn cao hơn mức bình thường tại Na Uy. Dĩ nhiên là người ta sẽ cảm thấy kỳ quặc khi người dân ở đây kêu rằng giá xăng đắt. Rốt cuộc thì chính giá xăng cao bất thường trên thế giới đã giúp Na Uy trở thành nước thịnh vượng. Chúng tôi đứng hàng thứ ba trên thế giới về xuất khẩu dầu, chỉ sau Ả rập Saudi và Nga. Thế nhưng khoản tiền thu được từ nguồn dầu ở Biển Bắc không được tiêu xài vào mục đích trợ giá xăng dầu. Hầu hết số tiền này được dành dụm và đầu tư cho một ngày kia khi nguồn dầu cạn kiệt. Khoản tiền phòng khi thất bát này nay trị giá gần 190 tỷ đô la Mỹ. Nếu đem số tiền này chia đều cho tất cả người dân như tôi, mỗi người sẽ được gần 40 ngàn đô la Mỹ. Và tiền bạc cũng chỉ là một yếu tố giúp Na Uy là quốc gia được Liên Hiệp Quốc chọn là nước có mức sống cao nhất thế giới. Bình đẳng Suy cho cùng thì Ả rập Saudi, một nước xuất khẩu dầu còn nhiều hơn cả Na Uy cũng chỉ xếp thứ 72 trong bảng xếp hạng của Liên Hiệp Quốc, chỉ hơn có Ukraina. Chế độ an sinh xã hội của Na Uy, một lý do khác khiến chúng tôi đứng đầu thế giới, đã được phát triển trong vài thập niên, trước khi chúng tôi tìm được dầu ở Biển Bắc rất lâu. Chế độ an sinh xã hội này được phát triển ngay sau Thế Chiến Thứ Hai. Sau năm năm chịu sự chiếm đóng của Đức, người dân Na Uy muốn tránh sự chia rẽ. Mọi người muốn xây dựng một xã hội lịch thiệp. Theo tôi, sự bình đẳng trong xã hội là điều mà đa số áp đảo người dân ở đây cảm thấy thoải mái. Rất ít người Na Uy giàu nứt đố đổ vách. Trên thực tế, nếu có ai giàu sụ, người ta sẽ nhận được những cái nhíu mày. Sự khác biệt về đồng lương của một công nhân nhà máy, một ngưòi lái xe buýt hay một bác sĩ là không đáng kể. Họ đều nhận được chừng hơn 3.500 đô la mỗi tháng. Giá cả sinh hoạt Nhưng đôi khi tôi cảm thấy khó giải thích làm sao chúng tôi có thể có tiền tiêu cho tới ngày lĩnh lương. "Làm thế quái nào mà anh có tiền mà sống ở đây? " một đồng nghiệp Anh tới thăm tôi đã có lần thốt lên. Cô ấy vừa phải trả gần 10 đô la cho một vại bia và đang không biết cô có nên gọi pizza không. Tôi kiên nhẫn giải thích rằng người bồi bàn trong quán có lẽ cũng chỉ kiếm nhiều tiền bằng cô và giá sản xuất bia ở đây cao hơn ở bất kỳ nước Châu Âu nào. Nhưng sự giải thích của tôi cũng không làm cho cô bớt bực tức. Đáng ra tôi phải nói rằng ở đây người dân cũng không có nhiều lý do phải dành dụm và họ có thể tiêu hết tiền tại quán bia nếu họ muốn. Người dân cũng không có nhiều lý do phải dành dụm và họ có thể tiêu hết tiền tại quán bia nếu họ muốn. Nói chung, người dân không phải góp tiền vào các quỹ hưu trí tư, không phải mua bảo hiểm y tế tư và cũng không phải chi tiền cho con đi học trường tư. Đối với hầu hết người Na Uy, khoản tiền hưu trí nhà nước trả cho đã là quá đủ. Các trường công phổ biến nhất ở Na Uy và hầu hết các trường công đều tốt ngang với một vài trường tư tồn tại ở đây. Dịch vụ y tế Dĩ nhiên cũng có lĩnh vực mà Na Uy có thể cải thiện. Đó chính là hệ thống y tế khi mà người ta vẫn phải xếp hàng và đôi khi các bệnh viện cũng thiếu nhân viên. Nhưng tình hình có lẽ còn tồi tệ hơn nếu chúng tôi không khoẻ mạnh như người Na Uy vẫn thường có thể trạng tốt. Sức khoẻ đó có lẽ là nhờ món cá hồi mà chúng tôi ăn, một loại cá rẻ nhất tại thủ đô cá hồi này của thế giới. Cũng có thể đó là chế độ làm việc 38 giờ một tuần và ước muốn tách rời hẳn công việc và giải trí của người dân. Một người bạn Anh mới tới đây làm bác sỹ cách đây vài năm đã bị sốc vì số người rất già nhưng lại hoàn toàn khoẻ mạnh đến khám bệnh. Cô phàn nàn "Họ đến chỉ để kiểm tra sức khoẻ và kê đơn thuốc và tôi hiếm khi thấy họ ốm đau gì cả." Trượt tuyết xuyên Na Uy Cô bạn bác sỹ của tôi không thường gặp những người ngoài 80 tuổi tới phòng khám, nhất là khi họ hoàn toàn khoẻ mạnh. "Rồi sau đó," cô thở dài nói tiếp, "những ông bà già này nói với tôi rằng họ bận lắm vì họ đang chuẩn bị đi trượt tuyết xuyên Na Uy." Nhưng cho dù ở Na Uy có mọi thứ tốt đẹp như vậy, tôi cũng đã một lần rời khỏi Oslo để tới Luân Đôn sống. Tôi vẫn tự hỏi mình là tại sao tôi lại đến Luân Đôn, nhất là những lúc bị kẹt xe trên đường cao tốc và những khi tôi nghe các chuyên gia tài chính nói trên đài rằng những người như tôi phải trả tiền vào các quỹ hưu trí tư. Cho đến nay tôi đã trở lại Na Uy được ba năm. Liệu tôi có rời khỏi nơi đây một lần nữa không? Có thể là khi tôi thấy chán ngấy khi phải nghe các chính trị gia tranh luận về giá xăng dầu hay vì cảnh xếp hàng dài sau những chiếc xe đẩy trẻ em của những bà mẹ được nghỉ 10 tháng nguyên lương khi sinh nở. Nhưng hiện tại thì tôi đang nhâm nhi ly bia đắt tiền và giống như mọi nhà báo, tôi hy vọng một ai đó sẽ kịp bóc trần một vụ xcăng-đan chính trị cho kịp kỳ bầu cử nghị viện vào Thứ Hai tới. http://www.bbc.co.uk/vietnamese/worldnews/story/2005/09/050908_norway.shtml
Lars Bevanger
Phóng viên BBC, Na Uy
08 Tháng 9 2005 - Cập nhật 16h15 GMT
Na-uy là nước xuất khẩu dầu lớn thứ ba trên thế giới
Carpe diem
No comments:
Post a Comment